Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Sử dụng nước mắm đúng cách

Nước mắm là loại gia vị đặc trưng trong chế biến món ăn Việt Nam. Ngoài tác dụng kích thích sự thèm ăn và tiêu hóa, nước mắm còn chứa nhiều chất bổ dưỡng như chất đạm và các loại vitamin A, D và B12. Do đó, khi chế biến, không nên đun lâu nước mắm trên bếp.

Với món canh, nước mắm được cho vào canh sau cùng, rồi bắc ra ngay. Không nêm nước mắm và để sôi lâu trên bếp sẽ mất ngon do hương vị nước mắm bị biến đổi. Với món thịt kho, nên kho thịt gần mềm với các loại gia vị khác rồi mới cho nước mắm vào, kho thêm một thời gian ngắn nữa, thịt không bị cứng và thơm ngon hơn.


 Một số loại nước mắm pha chua ngọt thường được dùng chung với món chiên, ăn chung với rau sống như chả giò, bánh tôm, bánh cóng, cá chiên, tôm chiên bột. Vị chua trong loại nước mắm này làm giảm cảm giác ngấy của dầu, mỡ trong món ăn.

Một số loại thực phẩm như các món lươn, cá kèo chiên giòn, khô cá khoai nướng thường được dùng với nước mắm me. Món cá trê chiên dùng nước mắm có thêm gừng, có tác dụng tốt cho tiêu hóa. Thịt luộc, cá trong canh chua hoặc nấu cháo thì dùng với nước mắm sống (nước mắm nguyên chất, không pha) với ớt hoặc tiêu.

Thịt Bò ngâm nước mắm




Chọn Thịt bò:
- Dùng thịt bò bắp, chọn bắp nhỏ, mỗi bắp khoảng 600gr - 800 gram là vừa ngon. Lạng sạch bạc nhạc quanh bắp thịt, để nguyên bắp, luộc chín bắp trong nồi nước sôi vừa đủ.
- Không cần phải luộc mềm nhừ. Tùy bắp thịt lớn nhỏ, thăm chừng cho thịt chín bằng cách sau khi luộc khoảng hơn 30 phút mỗi lần, vớt bắp ra, dùng một cây đũa đâm xuyên qua, nếu không thấy nước đỏ trào ra là thịt chín. + Thịt luộc chín giòn, thêm thời gian ngâm nước mắm, khi cắt ra, miếng thịt đẹp mắt, vừa mềm là ngon. Nếu luộc nhừ quá, sau khi ngâm nước mắm, thịt sẽ dễ nát.
Nấu Nước Mắm:
- Sử dụng phân lượng một nước mắm + một đường, tính theo khối lượng. Ví dụ: 1 chén nước mắm + 1 chén đường.
- Tùy chọn đường cát trắng, đường thẻ (đường tán, đường miếng màu vàng hay đen) băm nhuyễn. Mỗi loại đường có độ ngọt và vị khác nhau. Nếu dùng đường trắng thì hỗn hợp ít ngọt hơn nhưng mùi vị nước mắm không mất nhiều. Nếu dùng đường thốt nốt chẳng hạn, vị ngọt sẽ rất gắt.Đừng nên dùng đường thốt nốt là tốt nhất.
Ngâm Thịt:
- Cho thịt vào hũ – châm nước mắm đường vào ngập thịt, để qua 1 đến 2 giờ, thấy mực nước mắm hạ thấp xuống thì phải châm thêm cho mực nước mắm cao hơn mặt thịt ít nhất 3 - 4 phân. Đậy kín nắp hũ.
- Tùy yêu cầu sử dụng, sau khi ngâm nước mắm qua hai ngày là thịt đã thấm nước mắm, có thể ăn được. Thịt càng để lâu càng thấm mặn.
- Sau khi ngâm khoảng 4 - 5 ngày, nếu thấy trên mặt nước mắm trong hũ nổi váng mốc chứng tỏ nước mắm có nồng độ muối quá thấp. Nếu lấy thịt ra ăn sớm thì không sao nhưng muốn để lâu hơn phải đổ ra, nấu lại và nêm thêm muối, đường hoặc thay hẳn bằng nước mắm ngon hơn.
- Hỗn hợp nước mắm đường còn lại sau khi ngâm thịt xong, lược lại qua một túi vải, nấu sôi lại, dự trữ dùng nấu các món thịt cá kho, muối sả, tóp mỡ xào…rất ngon. Hoặc nấu sôi nhẹ cho đến khi gần như cô đặc lại sẽ có dạng như một loại nước mắm kho, chuyên dùng ăn cơm, xôi nóng vào mùa lạnh.
- Đây là cách làm cổ truyền còn thông dụng đến bây giờ vẫn được đa số các o, các mệ người Huế sử dụng.
Món Ăn Kèm:
Thịt bò bắp ngâm nước mắm khi ăn cắt ngang lát mỏng, thường được dọn kèm tiêu xanh để nguyên nhánh, gừng cắt sợi thật nhỏ, tỏi cắt lát mỏng…ngâm chung trong hỗn hợp giấm đường.
Có thể ăn kèm với kiệu, hành tím, dưa chuột, cà rốt, củ cải trắng ngâm chua…Nhiều người lại thích cuốn thịt ngâm nước mắm với bánh tráng, rau sống chấm nước mắm pha vị chua ngọt nhiều hơn vị mặn.Tùy theo khẩu vị mỗi người....

Sấu dầm nước mắm




Thời tiết nóng bức khiến nhiều người chán ăn. Nhưng nếu có món sấu ngâm nước mắm này ăn cùng rau muống luộc thì dù đã no bụng, bạn vẫn muốn ăn thêm.
Thông thường với món rau muống luộc, nhiều gia đình thường ăn kèm với cà muối, nhưng không dám ăn nhiều vì sợ nóng, sợ không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên với món sấu ngâm nước mắm, bạn có thể yên tâm ăn thoải mái vì sấu rất lành mà lại mát.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Sấu xanh  1,5 kg (chọn loại sấu bánh tẻ, không non quá và cũng không già quá).
- Nước mắm 0,5 lít.
- Tỏi 200 gr.
- Ớt 5 - 10 quả.
- Một lọ thủy tinh sạch
Cách làm
- Sấu cạo vỏ, rửa sạch, để ráo nước. Tỏi bóc vỏ, ớt rửa sạch bỏ cuống. Cho nước mắm và nước vào nồi theo tỷ lệ 4/1 (bốn phần nước mắm, một phần nước) đun sôi lên rồi bắc ra để nguội.
- Cho sấu vào lọ cùng với tỏi và ớt (lượng ớt nhiều hay ít tùy thuộc vào độ cay mà bạn muốn). Sau đó đổ nước mắm đã để nguội vào, đóng kín nắp lọ. Để khoảng một tuần thì có thể lấy ra ăn được.
- Với lọ sấu ngâm nước mắm này, bạn có thể sử dụng giống như cà muối, ăn với các món canh, hợp nhất là ăn chung với rau muống luộc. Nước ngâm sấu rót ra bát làm nước chấm rau cũng rất ngon miệng.
- Yêu cầu thành phẩm: Quả sấu ăn giòn, vị đậm đà, không chua. Nước ngâm thơm mùi tỏi ớt, chấm rau có vị chua chua, mằn mặn dễ chịu.

Cánh gà chiên nước mắm




Nguyên liệu:
- 12 cánh gà loại nhỏ.
- 200g bột năng.
- Tiêu+muối+đường+dầu ăn+nước mắm ngon.
Chuẩn bị:
- Cánh gà: rửa sạch dùng dao nhọn xăm vào cánh gà, để thật ráo.
- Ướp vào cánh gà: 1 muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng súp bột ngọt, 1 muỗng súp nước tỏi, 1 muỗng cà phê dầu mè.
- Để cánh gà thấm 1 giờ - Bột năng: cho ra mâm
- Tỏi băm nhuyễn, cho chú nước sôi vào vắt lấy 1 muỗng súp nước tỏi
Chế biến:
- Lăn cánh gà qua bột năng 1 lớp dày. Rây cánh gà lại, cánh gà giòn vàng lấy ra để ráo.
-  Chảo dầu nhiều vừa nóng, cho vào chảo chiên lửa trung bình. 2 muỗng súp đường, 1 muỗng súp bột ngọt, 1 muỗng súp nước mắm trộn đều, 1 muỗng súp dầu, 1 muỗng súp tỏi băm phi vàng, cho chén hỗn hợp vào xào nhanh tay, cho cánh gà vào xốc đều để thật thấm.

Sườn chiên nước mắm




Nguyên liệu:
  • 300g sườn heo
  • 1 củ hành tây
  • 2 quả cà chua
  • 1 cây xà lách búp
  • 1 thìa nước cốt chanh
  • 1 thìa café bột ngọt,
  • 1 thìa súp nước mắm
  • 1 thìa súp nước đường
  • 1 thìa café muối
  • Dầu để chiên
Thực hiện:
Sườn heo rửa sạch, róc từng thanh, chặt khúc 10cm, róc ½ thịt của mỗi đoạn xương, ướp với nước cốt chanh, bột ngọt, muối, để khoảng 15 phút cho thấm gia vị. Sau đó cho vào chảo dầu nòng chiên vàng.
Hành tây lột vỏ, chẻ múi cau. Cà chua thái lát mỏng, xà lách tách bẹ, rửa sạch.
Trộn đều nước mắm, đường, tiêu trong chén
Đun nóng dầu ăn, cho hành tây vào xào thơm sau đó trút sườn chiên vào xóc đều tay, chế nước mắm vào đảo nhanh tay cho nước mắm vừa cạn, thấm vào sườn
Dọn sườn chiên ra đĩa, dùng nóng kèm xà lách và cà chua.

Mực một nắng chiên nước mắm




Nguyên liệu:
  • 1 con mực một nắng
  • 1/4 củ hành tây
  • 1/4 trái ớt sừng
  • 1 nhánh hành lá
  • 2 tép tỏi
  • Xà lách, cà chua trang trí
  • 1 thìa cà phê hạt nêm
  • 1 thìa súp nước mắm chấm
  • 2/3 thìa cà phê đường
  • 1/4 thìa cà phê tiêu xay
  • Dầu ăn để chiên
Thực hiện
- Mực làm sạch, khứa vẩy rồng, xắt miếng vừa ăn, ướp với 1 thìa cà phê hạt nêm.
- Chiên giòn mực một nắng, vớt ra giấy thấm dầu.
- Hành tây cắt múi cau. Ớt sừng xắt sợi. Hành lá cắt khúc. Tỏi bằm nhuyễn.
- Phi thơm tỏi, xào hành tây, hành lá, ớt với dầu ăn cho thơm. Cho mực và nước mắm chấm vào hỗn hợp, xào đều đến khi nước xốt sệt lại là được.
- Xếp mực chiên nước mắm vào đĩa, trang trí với xà lách, cà chua. Dùng nóng.
Mách nhỏ:
- Mực một nắng là loại mực vừa được mang từ biển về hãy còn tươi rói, sau đó chỉ phơi duy nhất có một lần nắng.
- Nên chọn con mực mà trông thân ngoài đã ráo hẳn nhưng bên trong thịt mực vẫn còn tươi rói, dầy thịt. Mực ngon là mực vẫn giữ được độ tươi, thịt trắng thơm và dẻo sau khi chế biến.
- Khi mua về, nếu chưa chế biến ngay, chúng ta có thể cất mực một nắng vào tủ lạnh để bảo đảm mực vẫn còn tươi ngon nhé.

Tôm chiên nước mắm




Nguyên liệu:
  • 1/2kg tôm sú lớn
  • 2 tép hành cắt khúc
  • 1 trái ớt sừng băm nhỏ
  • 3 tép tỏi băm
  • 1/4 củ hành tây
  • 1/4 quả ớt chuông
  • 1muỗng nước mắm ngon
  • 3muỗng đưởng cát
  • Dầu để chiên
  • Gia vị gồm bột nêm,bột năng
Cách làm:
Hành tây và ớt chuông cắt nhỏ. Tôm sú lột vỏ,không cần lột hết vỏ tôm,có nghĩa là lột một đoạn bỏ một đoạn,lột cách bắt cầu,cách lột này là vì khi chiên,con tôm sẻ không bị khô quá,nếu lột hết vỏ tôm khi chiên,thịt tôm sẻ hơi bị khô và dai không được ngon,còn nếu để nguyên tôm khỏi lột vỏ,thịt tôm sẻ không thắm gia vị,nên cách lột tôm như vậy sẻ ngon hơn sau khi chế biến xong,khi tôm đã lột vỏ,thấm tôm cho khô,sau đó cho vô tôm 3 muỗng sup bột năng áo tôm và đem tôm chiên dầu cho chín,cho tôm ra đĩa.
Cho tí dầu vô chảo,xào sơ phần hành tây và ớt chuông,cho ra dĩa,sau đó dùng 1M dầu ăn phi tỏi ớt cho thơm,cho đĩa tôm chiên vào,rưới vô 1M nước mắm ngon và 3M đường(độ mặn và độ ngọt tuỳ theo khẩu vị mỗi người,gia giảm tuỳ ý thích,nhưng món tôm này hơi ngọt mới ngon)đảo đều tôm,cho thêm khoảng 3M nước vào,để tôm không quá khô,lưu ý là khi cho đường và nước mắm vào,chỉ dùng lửa nhỏ,lửa to quá sẻ làm cho tôm bị cháy,mất ngon,khi tôm bắt đầu ráo nước cho luôn phần hành tây,ớt chuông và hành lá cắt khúc vào,cuối cùng cho thêm tí bột nêm đảo đều,xúc tôm ra đĩa,dùng nóng với cơm trắng rất ngon.
Lưu ý: Muốn làm món tôm này ngon hơn,mình dùng nước mắm đã thắng với đường,hơi keo như mật ong,tỉ lệ là một nước mắm hai đường,thắng lửa nhỏ,nước mắm keo lại như mật là được,nước mắm thắng như vậy dùng trộn gỏi rất ngon.