Nước mắm Việt với vị mặn đặc trưng của
biển đã vang danh khắp thế giới không chỉ bởi sự độc đáo, tinh tế mà còn
bởi nó là kết tinh tinh hoa của biển cả.
Nước mắm xuất hiện trong bữa cơm của
người Việt từ rất xa xưa, đặc biệt là ở các vùng ven biển bởi hầu hết
các loại mắm đều làm từ thủy sản. Tuy nhiên cơm mắm không phải lúc nào
cũng đồng nghĩa với cơm của nhà nghèo. Thời nhà Nguyễn, các bà phi tần
từng đặt các địa phương hàng trăm lọ mắm để tiến vua.
Từ những con cá và hạt muối mặn mòi của
biển mà rất nhiều quốc gia khác đều có nhưng chỉ có người Việt mới tạo
ra được thứ nước chấm độc đáo, trở thành đặc trưng riêng của ẩm thực
Việt Nam mà không nơi nào trên thế giới có được. Quả không sai khi nói
nước mắm là linh hồn của món ăn Việt, là điểm tạo sự khác biệt của món
ăn Việt so với các dân tộc khác.
Hầu hết các vùng biển trên đất nước ta
đều ướp cá làm mắm thế nhưng nổi tiếng nhất vẫn là mắm Phú Quốc, Nha
Trang, Phan Thiết…. Nhìn chung quy trình chế biến mắm ở các nơi không
khác nhau là mấy nhưng chỉ những vùng trên mắm mới đạt chất lượng cao
nhất. Cá sau khi đánh bắt ngoài biển không mổ ruột mà để nguyên, cho vào
thùng hay vại lớn ướp với rất nhiều muối. Có những vại cá ngâm hàng năm
cho lên men mới đem ra chắt lấy nước cốt. Thứ nước đó chính là nước mắm
mà ta dùng để pha chế cho các món ăn hàng ngày.
Nước mắm có rất nhiều công dụng, nó
thích hợp với nhiều món ăn và không thể thiếu trong bữa cơm của người
Việt. Mắm có thể dùng tẩm ướp cho các món kho, xào hay pha chế thành
nước chấm cho các món luộc, nướng, hấp. Sẽ không phải là mâm cơm người
Việt nếu thiếu đi bát nước mắm chấm vàng óng như mật ong với đủ các vị
chua, cay mặn, ngọt.
Cùng với những đặc trưng của Việt Nam
như “bánh trưng”, “áo dài”…Danh từ “nước mắm” cũng được sử dụng nguyên
bản tiếng Việt trên sách báo nước ngoài. Điều này là sự khẳng định
thương hiệu và vị trí của nước mắm Việt đối với bạn bè thế giới, là niềm
tự hào của dân tộc ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét