Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Nước mắm trong ẩm thực Việt

Trong các loại gia vị của người Việt thì nước mắm đóng một vai trò quan trọng. Chỉ với một chai nước mắm nguyên chất, các bà nội trợ có thể chế biến thành biết bao món ngon.



 Hồn của gia vị Việt

Với nguồn thủy hải sản phong phú, người Việt có nhiều loại nứơc chấm ngon, từ mắm ruốc, mắm tôm, mắm nêm , mắm tép … mà chủ lực là nước mắm. Trong mâm cơm của người Việt bao giờ cũng phải có một chén nước mắm , dù là nước mắm y (nước mắm nguyên chất)  để làm cho món ăn thêm đậm, hay chén nước mắm pha tùy loại thức ăn cần phải chấm. Chén nước chấm để chính giữa bàn ăn cũng là biểu tượng cho một sự chia sẻ của cả nhà.

Trước đây, nước mắm chỉ hiện diện trong bữa ăn người Việt, nhưng nay nước mắm đã đi khắp nơi trên thế giới. Ở đâu có cộng đồng người Việt thì ở đấy nước mắm ngự trị trên các kệ hàng một cách kiêu hãnh. Và không chỉ người Việt, nhiều người nước ngoài cũng đã quen thuộc và yêu thích thứ nước chấm mặn mà, đậm đà này.

Nước mắm- loại nước chấm quốc hồn quốc túy- không chỉ là một loại gia vị mà đã trở thành một biểu tượng của ẩm thực Việt.

Cách dùng nước mắm của người Việt 

Người Việt dùng nước mắm để nấu và cả để chấm. Khi làm gia vị thì đơn giản chỉ là cho vào lúc xào hay nấu, nhưng không phải món nào cũng cho  vào và cũng không phải cho vào lúc nào cũng được. Có những loại canh cho nứơc mắm vào sớm sẽ bị chua, có những loại thực phẩm lại phải cho vào ngay từ đầu , nếu cho sau mùi nước mắm sẽ làm giảm hương vị của món ăn.…

Có những món làm từ mắm đơn giản mà tuyệt ngon. Mùa mưa mà ăn cơm với mắm kho quẹt cho thêm chút ớt và tiêu thì bao nhiêu tô cơm cũng hết. Mà có gì đâu, chỉ là nước mắm, thêm chút đường (nếu ai thích ăn hơi ngòn ngọt), xíu xiu ớt băm nhỏ và tiêu, tất cả cho vào cái nồi đất, đặt lên bếp riu riu lửa,  nước mắm cũng sôi riu riu. Đến khi mắm quẹo lại thì cho một thìa mỡ nước vào quậy dều . Chỉ thế thôi mà đủ sức làm cho người ăn hân hoan xin thêm chén nữa...

Món thịt kho, cá kho mà không có nước mắm sẽ nhạt nhẽo làm sao. Những cái cánh gà khiêu khích vị giác của người ăn bằng mầu sắc đằm thắm bóng bẩy và cái mùi thơm thơm quyến rũ của nước mắm. Và dĩa gỏi nếu thiếu cái mặn mòi của nước mắm e rằng đành phải gọi nó là salad của Tây mất thôi.

Mùi tuy hơi nồng, sắc chỉ là một mầu hổ phách trong vắt, nhưng nước mắm đã đi vào tâm hồn người Việt đằm thắm đậm đà…

Theo Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét